Năm 2020 có lẽ là một năm đáng nhớ đối với người dân Việt Nam khi có không ít những vấn đề xảy ra trì hoãn sự phát triển của xã hội. Ảnh hưởng của dịch Covid 19 vừa đi qua thì miền Trung lại chịu thiệt hại nặng nề về thiên tai. Nền kinh tế Việt Nam dần bị trì trệ và người Việt sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Vì thế, truyền thông Tết 2021 theo đó cũng cần có những sự thay đổi để phù hợp.
Có thể nhận thấy, từ trước đến nay, Tết luôn là thời điểm vàng để các thương hiệu đẩy mạnh trên thông. Đặc biệt đối với các ngành hàng tiêu dùng nhanh thì đây là chính là cơ hội để thu về nhiều lợi nhuận nhất trong năm. Năm 2020, rất nhiều chiến dịch truyền thông Tết đã được thực hiện thành công, tiêu biểu phải kể đến như: Knorr, Samsung, Mirinda, Momo, Gemini, Tea Plus,…
Năm nay, dù ảnh hưởng của nhiều vấn đề từ dịch bệnh đến thiên tai nhưng mới đây theo khảo sát của Kantar Insight Việt Nam, 60% người tiêu dùng được hỏi vẫn mong chờ Tết.
Thời điểm gần dịp cuối năm, các nhãn hàng cũng đang bắt đầu triển khai các bước đầu chuẩn bị cho chiến dịch truyền thông tết 2021. Với bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh, thiên tai, các Marketer cần nghiên cứu để “tìm điểm sáng” trong việc phát triển chiến dịch Tết của mình.
Nắm bắt insight khách hàng trong chiến dịch truyền thông Tết 2021
Người tiêu dùng muốn tối ưu hóa chi tiêu
Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 dẫn đến việc người tiêu dùng Việt có xu hướng tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Trước khi mua sản phẩm họ sẽ cần cân nhắc và tìm kiếm đến phương án tốt nhất như: giá rẻ hơn, combo ưu đãi,…
Cụ thể, theo nghiên cứu của Adtima, 76% người dùng chủ động tìm kiếm kênh bán hàng cam kết bình ổn giá; 64% tìm kiếm khuyến mãi, giảm giá; 39% lựa chọn nhãn hàng cung cấp hậu mãi và chăm sóc khách hàng.
Bên cạnh việc mong muốn đến Tết để được quây quần với gia đình thì áp lực về kinh tế cũng khiến người tiêu dùng cảm thấy “ngột thở”. Xu hướng cuối năm họ sẽ tiêu xài tiết kiệm hơn và sẽ lên kế hoạch tối ưu hóa chi tiêu cho dịp Tết sắp tới.
Một điểm cũng đáng lưu ý ở thời điểm này, đó là người tiêu dùng có xu hướng mua sắm hàng online hơn và chủ động tham gia các chương trình, minigame để nhận ưu đãi.
Tết giản dị nhưng vẫn đậm vị “Tết cổ truyền Việt”
Tại Việt Nam, Tết là một nét văn hóa truyền thống của mỗi gia đình. Tết gắn liền trong ký ức của mỗi người đều gắn liền với những hình ảnh thân quen như bánh chưng, cành mai, cành đào, lì xì đỏ,… Chính vì vậy, người Việt luôn muốn Tết mang đậm bản sắc dân tộc.
Năm 2020, với quá nhiều những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống, cùng với đó là sự thay đổi của xã hội, kinh tế,… người tiêu dùng sẽ lo lắng Tết sẽ mất đi ý nghĩa trong bản sắc văn hóa. Những thông điệp ý nghĩa được trao đi trong chiến dịch quảng cáo sẽ có hiệu quả tích cực trong dịp Tết này.
“Ở nhà” sum vầy để gắn kết tình thân
Đại dịch Covid tại Việt Nam cơ bản đã ổn định, tuy nhiên chúng ta vẫn không được chủ quan vì trên thế giới vẫn còn rất nhiều quốc gia đang đấu tranh với nó. Chính điều này khiến người Việt có xu hướng dành nhiều thời gian, mối quan tâm cho gia đình vào những hậu Covid-19 đặc biệt là dịp Tết sắp tới.
Trong một khảo sát của Adtima về câu hỏi: “Ngày Tết, bạn muốn dành nhiều thời gian cho ai nhất?” có 50% người được hỏi hướng đến dành trọn ngày Tết cho gia đình nhỏ, và chỉ 19% dành thời gian cho người yêu hay bạn bè.
Có lẽ đại dịch vừa qua đã giúp mọi người nhận ra nhiều điều hơn khi có nhiều thời gian “đợi ở nhà” với gia đình trong đợt giãn cách. Họ có thể hiểu và trân trọng những giá trị của tổ ấm.
Yêu bản thân, sống có ý nghĩa hơn
Thời gian vừa qua, Covid không chỉ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng lớn đến đến sức khỏe, tâm lý của người tiêu dùng.
Tuy rằng Việt Nam là đất nước ít thiệt hại về người nhất trên thế giới, nhưng mỗi ngày khi nghe các thông tin về ca bệnh, ca tử vong cũng khiến phần lớn người hoang mang, lo lắng.
Vì thế, người tiêu dùng có xu hướng chủ động quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn, muốn dành cho chính mình những điều tốt đẹp nhất. Dịp Tết có lẽ là thời điểm thích hợp để họ tận dụng mua sắm, chăm sóc, lên kế hoạch cho bản thân nhiều hơn.
Theo đó, 68% người tiêu dùng mong muốn có sức khỏe tốt hơn, 25% lo lắng không đủ thời gian để chăm sóc bản thân. Về tiêu dùng, 57% quan tâm đến các chủ đề sức khỏe trên kênh online dịp Tết và 19% sẵn sàng chi tiêu cho sản phẩm sức khỏe và làm đẹp
Chiến lược hiệu quả dành cho truyền thông Tết 2021
Mang đến nhiều ưu đãi hơn cho người tiêu dùng
Từ trước đến nay, chương trình khuyến mãi, các hình thức quà tặng được luôn là chiến lược hiệu quả cho các thương hiệu trong những dịp đặc biệt và chiếm khoảng 30% giá trị tiêu dùng mùa Tết mỗi năm.
Dựa vào insight mong muốn tối ưu hóa chi tiêu thì dịp Tết các nhãn hàng phải đẩy mạnh ưu đãi hơn nữa để người tiêu dùng cảm thấy thu hút và “dám chi trả” trong ngân sách hạn hẹp của mình.
Không chỉ dừng lại ở đó, hãy tạo ra ưu đãi phù hợp với “túi tiền” của người tiêu dùng và thu hút họ bằng hình thức truyền thông sáng tạo, ấn tượng hơn.
Việc kể cho người tiêu dùng nghe những câu chuyện về thương hiệu, về sản phẩm là một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, hãy thu hút họ bằng những hình ảnh đẹp mắt, giúp họ có những trải nghiệm tốt tại quầy trưng bày sản phẩm,…
Truyền tải thông điệp: “Về nhà” đón Tết một cách ý nghĩa hơn
Có thể nói, đại dịch vừa rồi đang mang lại nỗi lo sợ “không được về nhà” trong mỗi đợt cách ly. Nhưng cũng cùng với đó, dịp Tết cũng khiến mọi ám ảnh về việc “về nhà” ăn Tết và ở nhà không được đi làm, đi học,…
Nỗi lo về kinh tế cũng khiến nhiều người lo lắng về việc về quê ăn Tết, muốn dành thời gian hơn để kiếm tiền,… Vì thế, hãy truyền tải những thông điệp ý nghĩa về sự sum vầy. Hãy giúp người tiêu vượt qua nỗi sợ hãi để cảm thấy về nhà ăn Tết chính là khoảng thời gian tuyệt vời ý nghĩa nhất.
Xây dựng chiến dịch truyền tải nội dung thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng mong đợi rất nhiều vào thương hiệu, mong muốn thương hiệu làm được nhiều hơn cho con người, xã hội. Nhất thời điểm, năm 2020 đầy sóng gió khi người Việt Nam chịu nhiều tổn hại về kinh tế, con người,…
Tết chính là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp làm nhiều điều ý nghĩa hơn. Có lẽ, một chiến dịch CSR mùa Tết 2021 sẽ là một hoạt động hiệu quả để thể hiện tình cảm chân thành của thương hiệu dành cho người tiêu dùng và công động.
Tóm lại
Truyền thông Tết luôn là một chiến lược quan trọng trong hoạt động truyền thông của mỗi thương hiệu, doanh nghiệp. Dựa trên từng bối cảnh khác nhau, Marketer cần xây dựng kế hoạch phù hợp thực tiễn để có được hiệu quả nhất.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn và doanh nghiệp có những chiến dịch Tết hiệu quả trong thời gian sắp tới!
Phương Phương – Greenway